LAN BẠCH HỎA HOÀNG

Bạch Hỏa Hoàng (Dendrobium bellatulum)
Bạch Hỏa Hoàng (Dendrobium bellatulum) là loài phong lan có hoa đẹp, màu trắng, môi màu vàng đến vàng cam, đây là loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt nam; sách đỏ thế giới IUCN mức độ (VU) bị đe dọa sẽ nguy cấp ngoài tự nhiên. Hiện tại chưa có tên trong danh lục thực vật các loài Lan của Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình.
Đặc điểm hình thái
Thân dài 3 – 6 cm, dày 1 - 1,5 cm, hình trứng hoặc đôi khi hình con suốt .Thân có 2 - 3 lóng; lóng dài 1,2 - 1,5 cm. Lá 3 - 4 chiếc xếp hai dãy, tập trung ở đỉnh thân, hình mác hoặc thuôn, dài 4 – 5 cm, rộng 1,2 - 1,5 cm, đỉnh chia 2 thùy tù lệch.
Cụm hoa ở sát đỉnh thân còn lá, 1 - 2 hoa. Lá bắc hình mác, dài khoảng 0,4cm. Hoa màu vàng nhạt, đường kính 2,5 - 2,7cm, cuống hoa và bầu dài khoảng 1,5cm. Các lá đài hình mác, đỉnh nhọn, dài 1,4 - 1,7cm, rộng 0,6 - 0,8cm. Cằm hình túi, dài 1,5 - 1,7cm. Cánh hoa hình mác, đỉnh tù, dài 1,6 - 1,7cm, rộng khoảng 0,6cm. Môi màu vàng đến vàng cam, dài 2,4 - 2,6cm, rộng 1,3 - 1,5cm, hình đàn ghi ta, 3 thùy, ở giữa có một đốm màu đỏ và 5 đường sống hình con lăn bề mặt sần sùi; thùy bên hình bầu dục, màu vàng tươi; thùy giữa màu đỏ cam, hình thận, đỉnh lõm sâu. Cột màu hồng, cao 0,6cm; răng cột có đỉnh tù, nắp hình mũ cao.
Đặc điểm sinh thái: Lan sống phụ sinh trên cây gỗ, mọc bám trên các cây gỗ lớn trong rừng (kể cả cây thông già), ở độ cao 600 - 1.500 m. Ra hoa vào tháng 3 – 4 hàng năm, tái sinh bằng chồi và hạt.
Phân bố: Tại Vườn Quốc Gia Phước Bình mới phát hiện tại tiểu khu 2. Cây phụ sinh ở trong các khu rừng hỗn giao cây lá rộng với lá kim.
Trong nước: Kontum (Đắk Glei, Kon Plông, Măng Đen, Đắk Uy), Lâm Đồng (Đà Lạt, Lang Bian, Lạc Dương, Bi Đúp).
Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào.
Giá trị sử dụng: Dùng trị bệnh nhiệt thương tổn đến tân dịch, miệng khô, mắt nhìn kém, đau dạ dày nôn khan.
Tình trạng: Loài có khu phân bố và nơi cư trú chia cắt. Hiện đã bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác để trồng, bán chủ yếu làm cây cảnh, đôi khi sử dụng làm thuốc.
Phân hạng: VU B1+2e+3d.
Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 với cấp đánh giá bậc R, là loài quý hiếm không phân bố rộng ngoài tự nhiên. Cần thiết có các nghiên cứu đánh giá tình trạng phân bố để bổ sung danh lục các loài Lan của VQG và đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả./.
Hoàng Thế Hưng Long