1. Kỹ năng sơ cứu
Một trong số những kỹ năng nghiệp vụ bổ trợ cần thiết khác mà hướng dẫn viên cần có là kỹ năng sơ cứu. Đó là việc dùng những phương tiện có tại chỗ với những kỹ thuật, kiến thức đã được trang bị trước để giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong quá trình phục vụ các đoàn khách khó có thể tránh được không gặp thương tích, sự cố liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của du khách (đặc biệt đối với các chuyến du lịch sinh thái, mạo hiểm…). Nếu hướng dẫn viên có được kiến thức về sơ cấp cứu sẽ giúp bảo toàn được cuộc sống của du khách, của chính bản thân mình và tự tin giải quyết, ngăn chặn được những hậu quả xấu khi có các tình huống đó xảy ra.
1.1. Quy định chung
Khi trong đoàn khách có người ốm đau, bị nạn thông thường hướng
dẫn viên xử lý không ngoài những việc sau:
- Gọi xe cứu thương (đưa khách đến cơ sở y tế)
- An ủi người bị nạn
- Đảm bảo không ai khác làm cho tình thế trở nên trầm trọng hơn
- Đừng bao giờ bỏ người bị nạn lại một mình, trừ trường hợp khẩn cấp
cần sự trợ giúp y tế và không có ai khác ở đó.
- Thông điệp cầu cứu cần ngắn gọn và rõ ràng với các thông tin
+ Địa điểm chính xác nơi tai nạn và số điện thoại nếu có
+ Nguyên nhân thương tích và thời gian xảy ra tai nạn
+ Tình trạng của nạn nhân
- Hỏi họ bao lâu họ đến và khuyên người bị nạn nằm yên không cử động nhiều.
1.2. Sơ cứu những bệnh thường xảy ra đối với du khách
* Say xe (máy bay, tàu)
Người mắc chứng say tàu xe không nên ăn no trước khi đi, cần uống thuốc say xe tự chuẩn bị; Nếu được thì để người đó ngồi tại vị trí nào tương đối thăng bằng, trong các chuyến đi dài, nếu khách say xe thì hướng dẫn viên có thể nhờ nhân viên phục vụ trên tàu, xe giúp đỡ.
* Sốt cao
Triệu chứng: Sốt cao có nhiều nguyên nhân, nhưng bản thân sốt cao trên 390 c có thể nguy hiểm
Sơ cứu:
- Cởi bớt quần áo người bệnh;
- Chườm khăn, nước lạnh hoặc nước mát lên đầu, ngực, bụng, đùi, háng và sau gáy - khi hết lạnh, thay khăn khác;
- Quạt cho người bệnh (chỉ ngừng khi nhiệt độ hạ xuống 380 c);
- Cho uống nhiều nước, nước trái cây;
- Nếu sốt cao quá 400 c có thể xuất hiện co giật phải chườm lạnh tích cực hơn;
- Đưa bệnh nhân tới bệnh viện để tìm nguyên nhân gây sốt.
* Ngộ độc thức ăn
Triệu chứng:
- Xảy ra trong khoảng 6 giờ sau khi ăn;
- Đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều lần;
- Hoa mắt, chóng mặt, ngất, vã mồ hôi.
Sơ cứu:
- Cố gắng cho người bệnh nôn hết thức ăn ra ngoài;
- Giữ ấm cơ thể;
- Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện điều trị tiếp.
* Đầy bụng khó tiêu
Triệu chứng:
- Xảy ra sau bữa ăn quá nhiều món, thức ăn bị ôi thiu hoặc thức ăn lạ;
- Nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy.
Sơ cứu:
- Cho người bệnh uống một cốc chè đường nóng;
- Nhịn ăn một bữa và ăn nhẹ khi ăn lại;
- Phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện khi:
+ Cơn đau bụng quá 2 giờ;
+ Nôn mửa quá nửa giờ;
+ Sốt trên 370 c
* Bệnh tim
Trong đoàn nếu có du khách bị bệnh tim lên cơn đau, hướng dẫn viên cần chú ý:
- Tránh việc vội vàng đưa bệnh nhân đi bệnh viện
- Để người bệnh nằm yên tại chỗ, đầu hơi cao
- Nhờ người thân của du khách bị bệnh hay trưởng đoàn hoặc các thành viên trong đoàn tìm thuốc mà người bệnh mang theo và cho uống thuốc
- Gọi số 115 nhờ bác sĩ của trung tâm cấp cứu đến xem bệnh
- Đợi cho bệnh tình của du khách hơi ổn định trở lại rồi mới đưa đi viện
* Chết đuối
Khi có du khách trong đoàn chẳng may bị chết đuối, hướng dẫn viên cần tiến hành công tác sơ cứu như sau:
- Nhanh chóng dốc nước ra khỏi dạ dầy bằng cách cầm chân dốc ngược nếu là trẻ em hoặc vác lên vai chạy xóc nếu là người lớn. Cũng có thể nắm chân dốc ngược để vai , đầu chạm đất;
- Móc đất, bùn, đờm, dãi, lấy răng giả (nếu có) ra khỏi miệng để thông thoáng đường thở;
- Hô hấp nhân tạo (khoảng từ 20 đến 30 phút);
- Khi tự thở được và còn hôn mê bao giờ cũng phải để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng đầu về một bên để đường thở lưu thông, dịch từ phổi, dạ dày còn lại nếu trào ra không bị chảy vào phổi;
- Nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới bệnh viện để hồi sinh tiếp.
* Bong gân (còn gọi là trẹo khớp)
Bong gân là thương tổn dây chằng bao khớp ở mức độ khác nhau. Những trường hợp bong gân thường gặp: ở bàn chân, ở cổ tay, ngón tay, đầu gối.
Triệu chứng:
- Đau nhói một điểm, một vùng, một bên khớp;
- Sưng nề nhanh và nhiều;
- Không cử động, hoạt động được vùng khớp và chi bên tổn thương.
Sơ cứu:
- Băng ép ngay vùng chấn thương để cố định;
- Chườm lạnh vào vùng khớp;
- Cố định tạm thời bằng các phương tiện để tránh hoạt động ở điểm bị bong gân;
- Trường hợp nặng phải đưa đến cơ sở y tế chữa trị.
* Các vết thương gây chảy máu nói chung
Các biện pháp sơ cứu đối với hầu hết các vết thương bị chảy máu, những vết cắt, vết đứt không nghiêm trọng thường xảy ra là:
+ Trước tiên cần cầm máu vết thương, tốt nhất là với một miếng gạc sạch;
+ Sau đó rửa vết thương bằng gạc sạch thấm nước vô trùng hoặc nước sạch. Có thể bôi kháng sinh theo như chỉ dẫn (nếu không có sẵn
nước sạch và bông gạc sạch thì rửa vết thương dưới vòi nước);
+ Dùng bông băng vô trùng, hoặc ít ra là bông băng sạch để băng vết thương lại.
Một điều quan trọng mà hướng dẫn viên lưu ý là cần giảm thiểu nguy cơ vết thương bị nhiễm trùng, do đó hãy rửa sạch tay trước khi đụng vào vết thương, tránh không ho, hắt hơi hay nói chuyện trong khi xử lý vết thương.
* Say nắng
Ở đất nước nhiệt đới như nước ta, việc phải vận động nhiều nhất là trong những chuyến tham quan du lịch ngoài trời với thời tiết nắng nóng du khách rất dễ bị say nắng (cơ thể không còn tự điều hoà nhiệt) do tia tử ngoại trực tiếp chiếu vào đầu, gáy.
Triệu chứng:
- Các cơ (bắp thịt) bị chuột rút ở trong tình trạng co cứng, rất đau và không thể co duỗi được;
- Sau đó nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tay chân rã rời, khó thở;
- Không được sơ cứu kịp thời dẫn đến sốt cao, thở nhanh, buồn nôn, sợ ánh sáng thậm chí có thể bị ngất hoặc hôn mê, co giật như động kinh.
Sơ cứu:
Khi có dấu hiệu sớm của người bị say nắng phải kịp thời
+ Đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, bóng râm. Không cho người xúm đông vào chăm sóc hoặc tò mò xem;
+ Cởi bỏ quần áo để thông thoáng và dễ thở;
+ Quạt mát, chườm lạnh bằng khăn ướt hoặc xoa cồn
+ Uống nước đường và muối hoặc nước chè nóng pha đường chanh muối (không nên uống nước lạnh hoặc nước có đá);
+ Nếu nặng hơn như hôn mê, co giật sau sơ cứu phải được chuyển đến bệnh viện để hạ nhiệt.
Để dự phòng cho việc cảm nắng hướng dẫn viên dẫn đoàn cần chú ý: kết hợp hoạt động và nghỉ ngơi, tránh để du khách tiến hành các hoạt động dài ngoài trời nắng gắt.
* Chảy máu cam
Khi vận động nhiều và thay đổi đột ngột khí hậu cũng dẫn tới trường hợp đổ máu cam. Nếu trong trường hợp đoàn khách du lịch có người bị đổ máu cam việc cần làm của hướng dẫn viên là:
- Khuyên họ không nên hỉ mũi, và chuyển sang thở bằng đường miệng;
- Để họ ngồi thẳng dậy, đầu hơi ngả về phía sau;
- Nhắc họ dùng hai ngón tay bịt chặt hai cánh mũi lại khoảng 10 phút;
- Chườm khăn lạnh lên trán và cổ họ, để họ nghỉ ngơi nơi thoáng mát, không khí trong sạch;
- Nới bớt các loại phục trang bó chặt ở cổ, ngực và thắt lưng;
- Sau khi thực hiện tất cả các điều trên, nếu máu cam vẫn không ngừng chảy, hãy thử dùng hai ngón tay bịt hai bên cánh mũi trong khoảng 10 phút nữa. Nếu vẫn không có tác dụng, hãy chuyển họ tới cơ sở y tế.
* Gãy xương:
Trường hợp khách bị gãy xương, cần đưa ngay đi bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên tại hiện trường, hướng dẫn viên du lịch cần xử lý sơ bộ trong khả năng cho phép như sau:
- Cầm máu:
Sử dụng các phương pháp cầm máu thường dùng:
+ Phương pháp áp tay: lập tức dùng ngón tay, bàn tay nắm vào vết thương về phía tim, áp vào huyết quản để cầm máu.
+ Phương pháp băng bó gia áp: lập tức đặt bông băng dầy tại nơi chấn thương, dùng dây băng gia áp (tăng cường áp lực), băng bó lại.
+ Phương pháp dùng dây cầm máu: lập tức dùng dây cầm máu có tính đàn hồi, quấn lên vết thương phía động mạch gần tim để cầm máu.
- Băng bó:
Tốt nhất là trước khi băng bó phải làm sạch vết thương, khi băng bó thì các động tác phải thật nhẹ nhàng, băng lỏng hay chặt thì cần phù hợp với tình trạng vết thương, thường là ở mức vừa phải, chỗ thắt nút của dải băng không được để tại phía vết thương.
- Nẹp chỗ gãy xương:
Dùng vật dụng làm thanh nẹp tại chỗ, nhằm cố định 2 đầu khớp xương, tránh để gãy thêm trong quá trình chuyển động.
* Các vết chích, vết cắn
Triệu chứng: Những người bị chích, đốt, có thể có các triệu chứng như sau:
+ Có dấu trên da - vết lằn, vết sưng, nổi mẩn…;
+ Đau - không nhất thiết ở nơi bị cắn, mà có thể ở đâu đó trong vùng ngực, vùng bụng hoặc lưng;
+ Buồn nôn và có thể dẫn tới nôn mửa;
+ Cử động tay chân khó khăn;
+ Trường hợp nặng có thể bị khó thở từ 10 đến 40 phút sau khi bị chích.
Sơ cứu:
+ Để nạn nhân nghỉ ngơi và trấn an tinh thần họ;
+ Nếu phần ngòi côn trùng còn dính trên da, nhẹ nhàng rút ra bằng nhíp và vứt đi;
+ Lau sạch vết chích, đốt;
+ Đối với những vết chích của các loại côn trùng như ong, nhện độc thường, ruồi… chỉ cần áp một vật lạnh lên vết cắn là đủ, nước đá hay bất cứ vật gì đông lạnh. Nhưng hướng dẫn viên nên nhớ cần quấn một lớp vải quanh những vật đông lạnh như vậy trước khi áp lên bề mặt da;
+ Các vết chích vô hại của côn trùng có nọc độc trong thiên nhiên có thể gây ra các phản ứng như đau đớn, kiệt sức, khó thở. Vì vậy, hướng dẫn viên quan sát nếu nạn nhân có những biểu hiện dị ứng nên đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Gãi và chà xát vết cắn, vết đốt, chỉ làmlcho tình hình thêm nghiêm trọng, vì thế hướng dẫn viên hãy để ý ngăn nạn nhân không để họ gãi.
Còn đối với các vết cắn nguy hiểm đến tính mạng, ví dụ như vết cắn của rắn độc hoặc nhện độc thì phương pháp sơ cứu tốt nhất là “ buộc chặt cố định” toàn bộ phần bị cắn nhằm giảm tốc độ lưu chuyển máu có chứa nọc độc trong cơ thể mà không kèm theo tác hại của việc cắt đứt hoàn toàn vòng tuần hoàn của máu, đồng thời để nạn nhân được nghỉ ngơi và giữ vững tinh thần cho nạn nhân rồi chuyển bệnh nhân tới bệnh viện một cách sớm nhất.
Chú ý: Trường hợp không may bị rắn cắn phải quan sát vết cắn để phân biệt do rắn độc cắn hay rắn lành để kịp thời cấp cứu.
+ Rắn độc cắn thường có 2 vết răng nanh sâu, ít chảy máu nhưng rất đau nhức, bầm tím.
+ Rắn lành cắn, không có vết 2 nanh mà dấu răng cả 2 hàm, chảy máu nhưng ít đau nhức
* Đỉa, vắt cắn
Đỉa cắn vào người rất khó dứt ra, vết cắn hơi ngứa, sinh vật này thường có ở ao, hồ, sông suối. Còn vắt ở trên cạn, nhỏ bằng que tăm thường nằm dưới thân cây gỗ mục. Vắt “khôn” hơn đỉa, không bao giờ hút máu ngay khi bám vào người, mà nó thường len lỏi bò vào chỗ kín, da non của cơ thể để hút máu.
Triệu chứng: khi cắn chúng tiết ra chất không đông, nên ở vết cắn máu
chảy rất nhiều.
Sơ cứu:
- Vắt, đỉa kỵ với vôi và xà phòng nên khi bị chúng cắn có thể bôi lên vết cắn hai chất đó;
- Nếu chúng chui vào tai, mũi thì đổ nước vôi trong hoặc dùng mật ong
nguyên chất đổ vào.
***