KẾT QUẢ THỰC HIỆN “XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT ĐẶC HỮU, NGUY CẤP, QUÍ, HIẾM TẠI VƯỜN QUỐC GIA PHƯỚC BÌNH, TỈNH NINH THUẬN”
Tháng 12/2024, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã tổ chức nghiệm thu kết thúc đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp quản lý các loài động vật và thực vật đặc hữu, nguy cấp, quí, hiếm tại Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận” và bàn giao các sản phẩm đề tài cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình.
Đây là đề tài nằm trong chương trình thực hiện các đề tài hợp tác Bộ, ngành, địa phương cấp Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, được thực hiện trong thời gian 36 tháng từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024. Đề tài do Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng làm tổ chức chủ trì và TS. Nguyễn Lê Xuân Bách làm chủ nhiệm.
Với mục tiêu tổng thể nhằm cung cấp thông tin khoa học góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Theo đó hai mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề tài gồm:
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu số về các loài động vật và thực vật đặc hữu, nguy cấp, quí, hiếm tại Vườn Quốc gia Phước Bình;
+ Đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài loài động vật và thực vật đặc hữu, nguy cấp, quí, hiếm tại Vườn Quốc gia Phước Bình.
Kết quả thực hiện đề tài đã tổng hợp danh lục mới về hệ thực vật Vườn Quốc gia Phước Bình với 1.599 loài thuộc 729 chi 180 họ thực vật. Từ danh lục thực vật cập nhật mới này đã xác định được danh sách các loài thực vật nguy cấp, quí hiếm, đặc hữu với 368 loài thuộc 212 chi, 74 họ thực vật. Gồm 227 loài nguy cấp, quí hiếm đang bị đe dọa có nguy cơ tiệt chủng và 170 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam. Trong các loài này có một số loài là đặc hữu riêng cho Vườn Quốc gia Phước Bình, như: Typhonium phuocbinhense, Billolivia noanii, Silvorchis vietnamica, Peliosanthes thachii và một số loài đang nghi ngờ là loài mới cho khoa học đang trong quá trình theo dõi và nghiên cứu thêm để công bố.
Bán hạ Phước Bình (Typhonium phuocbinhense) loài đặc hữu của Vườn Quốc gia Phước Bình
Pơ mu (Fokienia hodginsii) – loài thực vật quý hiếm có ý nghĩa rất lớn cho công tác bảo tồn và nghiên cứu cung cấp rất nhiều số liệu quý giá trong các nghiên cứu về cổ khí hậu tại Việt Nam
Về nhóm động vật từ danh lục của Vườn Quốc gia Phước Bình theo kết quả điều tra năm 2007 với 327 loài động vật có xương sống ở cạn (69 loài thú, 206 loài chim, 34 loài bò sát và 18 loài lưỡng cư), trong đó có 50 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2000 và 29 loài ghi trong Danh mục đỏ thế giới (IUCN Redlist 2006). Đề tài đã tổng hợp danh lục các loài động vật quí, hiếm, đặc hữu cho Vườn quốc gia Phước Bình gồm 103 loài, bao gồm: 10 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát, 30 loài chim, 35 loài thú, 5 loài cá và 1 loài côn trùng. Bổ sung thêm 14 loài so với danh sách tổng hợp từ tài liệu, xác định 11 loài đặc hữu Việt Nam trong danh lục, chủ yếu là các loài lưỡng cư và bò sát như: Cóc mày mắt trắng, Cóc mày Bidoup, Nhái cây sần Việt Nam, Nhái bầu Ninh Thuận.

|

|
Ảnh Bò tót được chụp bằng bẫy ảnh đặt trên tuyến điều tra (tuyến Đá đen)
|
Hình ảnh loài Tê tê java được ghi lại bằng bẫy ảnh
|
Kết quả ghi nhận được từ đề tài bước đầu đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu số hiện đại cho nhóm các loài thực vật, động vật đặc hữu quí hiếm nguy cấp ở Vườn Quốc gia Phước Bình. Bộ cơ sở dữ liệu tạo ra trong nhiệm vụ này là nguồn thông tin ban đầu, tạo cơ sở đặc biệt quan trọng nhằm phục vụ mục đích quan trắc tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ lâu dài cho sự phát triển bền vững của Vườn Quốc gia Phước Bình.
Quãng Đức Thạch – Phòng KH&BTTN